7 vị quân sư tài ba nhất lịch sử Trung Hoa, đã dùng binh là chỉ có chiến thắng

7 vị quân sư tài ba nhất lịch sử Trung Hoa, đã dùng binh là chỉ có chiến thắng

0 4,449

7 vị quân sư tài ba nhất lịch sử Trung Hoa

 

Trung Hoa cổ đại nổi tiếng là nơi có nhiều bậc anh tài kiệt xuất tiếng tăm lẫy lừng, lưu truyền hàng ngàn năm qua. Để tìm được người tài giỏi nhất thì quả thực rất khó, nhưng giới học giả đều đồng ý với danh sách 7 vị quân sư tài năng dưới đây. 

1. Ông tổ cố vấn quân sự – Khương Tử Nha (1156 – 1017 TCN)

Ông tên thật là Khương Thượng, tự là Tử Nha, tên thường gọi là Khương Tử Nha. Ngoài ra cũng có ghi chép rằng, tổ tiên của ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy Lã làm họ. Khương Tử Nha thọ đến 139 tuổi và từng phụ tá cho 6 vị vua nhà Chu. Bởi vì ông là thủy tổ của nước Tề nên còn được gọi là Thái Công Vọng, gọi theo cách thông thường là Khương Thái Công.

Những năm đầu nhà Tây Chu, ông được Chu Văn Vương phong làm Thái sư (chức quan võ) được tôn xưng là Sư Thượng Phụ. Ông phò tá Chu Vũ Vương diệt nhà Thương. Khương Tử Nha là người gây dựng nên nước Tề, nhờ có công mà ông được phong cho đất Tề và trở thành thủy tổ của nước Tề thời Chu. Trong lịch sử Trung Hoa, ông là nhà chính trị, nhà quân sự và mưu lược nổi tiếng nhất. Nhiều đời sau này, Khương Tử Nha được tôn là Võ Thánh ngang bằng với Tôn Vũ thời Xuân Thu nước Ngô, bậc thầy về binh gia, có thể nói ông là nhà quân sư bậc nhất trong ngàn đời của Trung Hoa.

2. Quân sư đại tài thời Chiến Quốc – Tôn Tẫn

Tôn Tẫn là vị quân sư nổi danh thời Chiến Quốc, là hậu duệ của Tôn Vũ (người viết ra Binh Pháp Tôn Tử). Thuở niên thiếu, ông từng cùng với Bàng Quyên theo học binh pháp của Quỷ Cốc Tử. Sau khi Bàng Quyên làm tướng nhà Ngụy, liền đố kỵ với tài của Tôn Tẫn mà lừa gạt ông đến Ngụy quốc rồi vu tội cho, khiến Tôn Tẫn bị chặt xương đầu gối (tẫn hình). Chữ Tẫn trong tên của ông xuất phát từ hình phạt này mà ra. Sau này ông được sứ giả nước Tề đưa về Tề Quốc. Tướng Tề là Điền Kỵ phục tài của Tôn Tẫn nên đã tâu với Tề Uy Vương phong ông làm thầy. Thời ấy, Tề Uy Vương đang tranh chấp cùng Ngụy nên muốn thu nhận hiền tài, coi trọng tài năng quân sự của Tôn Tẫn mà thu nhận ông làm quân sự.

Trong cuộc chiến Ngụy – Tề, đối mặt với khí thế hung hăng của quân Ngụy, Tôn Tẫn áp dụng kế lui binh, giảm số bếp trong quân, bố trí chiến thuật mai phục khiến quân Ngụy đại bại. Nước Ngụy từ đây không gượng dậy nổi, Tôn Tẫn cũng vì tài quân sư trác tuyệt của mình mà nổi danh thiên hạ. “Tôn Tẫn binh pháp” của ông là kế thừa tư tưởng quân sự của Tôn Vũ. Thế nhưng sau khi chiến thắng ông quyết định lui về ở ẩn cùng sư phụ Quỷ Cốc.

3. Nhân tài kiệt xuất nhà Hán – Trương Lương (250 -186 TCN)

Trương Lương tự là Tử Phòng, là mưu thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất thời Tần mạt, Hán sơ kỳ. Ông là người có công lớn trong khai quốc Hán Vương triều. Trương Lương được xưng là một trong ba người tài giỏi xuất chúng thời đầu nhà Hán (Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà).

Với mưu trí kiệt xuất, ông đã phò trợ cho Lưu Bang gây dựng cơ nghiệp nhà Hán, ông được phong làm Lưu Hầu. Sau khi việc lớn thành, ông đã lui thân, tránh kết cục thảm khốc như của Hàn Tín, Bành Việt… Sau khi Trương Lương qua đời, ông được phong làm Văn Thành Hầu (còn gọi là Ích Hào Văn Thành). Từ đó về sau, người đời xưng ông là “Mưu Thánh”. Trong “Sử Ký” cũng dành riêng một phần với tựa đề “Lưu Hầu thế gia” để viết về cuộc đời của Trương Lương.

4. Cố vấn quân sự thời Thục Hán – Gia Cát Lượng (181 -234)

Gia Cát Lượng tên chữ là Khổng Minh, là thừa tướng thời kỳ Tam Quốc Thục Hán. Ông là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà tản văn và nhà phát minh trứ danh trong lịch sử Trung Hoa. Thuở thiếu niên, ông vừa làm ruộng vừa đi học ở ngoại ô thành Tương Dương, Kinh Châu. Người dân địa phương xưng ông là Ngọa Long, Phục Long.

Từ bé đã theo sư phụ học đạo, nên mới tuổi thiếu thời, ông đã trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng nhân, nức tiếng xa gần. Tài năng vốn thuộc hàng quỷ khốc thần sầu. Ông được Lưu Bị mời ra làm quan, theo Lưu Bị trên khắp các chiến trường, thành lập nhà Thục Hán và được phong làm thừa tướng.

Năm 223 sau khi Lưu Bị chết, Lưu Thiền kế vị hoàng đế Thục Hán, Gia Cát Lượng được phong tước vị làm Võ Vương Hầu, trở thành người lãnh đạo quân sự chính trị quan trọng tối cao của Thục Hán. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông được phong làm Trung Võ Hầu. Người đời sau thường gọi ông là Gia Cát Võ Hầu hay Võ Hầu. Trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa, Gia Cát Lượng là nhân vật trung thần, bậc trí giả tiêu biểu.

5. Vương Mãnh (325 -375)

Vương Mãnh tên chữ là Cảnh Lược, là người Bắc Hải thời Đông Tấn. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự nổi danh của thời kỳ Thập lục quốc. Ông là thừa tướng của nước Tiền Tần, đại tướng quân, phụ tá Phù Kiên bình định thiên hạ, thống nhất phương bắc. Thuở nhỏ, Vương Mãnh sống trong cảnh nghèo khó nhưng yêu thích học tập, đọc sách binh pháp. Ông là người cẩn trọng, khí độ bất phàm, không câu nệ tiểu tiết, cũng không “tâm đầu ý hợp” với người khác, ít kết giao nên bị người có học thời ấy khinh thường. Nhưng Vương Mãnh không cảm thấy buồn vì điều này.

Thời kỳ Đông Tấn và Ngũ Hồ thập lục quốc là thời đại quần hùng tranh giành. Vương Mãnh chọn chủ mà quan hệ, phụ giúp Phù Kiên dựng lập vương triều Tiền Tần. Đáng tiếc là Vương Mãnh mất sớm ở tuổi 50.

6. Công thần xây dựng Bắc Tống – Triệu Phổ (922 -992)

Triệu Phổ tự là Tắc Bình. Ông là nhà chính trị kiệt xuất thời đầu Bắc Tống, và cũng là mưu sĩ nổi danh trong lịch sử Trung Hoa.

 

Năm 15 tuổi, ông theo cha đến sống ở Lạc Dương. Từ nhỏ ông đã theo học lịch sử và chính trị. Ông 3 lần làm tướng, nổi danh 1 triều, ông làm chính trị 50 năm, thọ 71 tuổi. Triệu Phổ ít đọc sách nhưng lại đa mưu, ông chỉ có quyển “Bán bộ Luận ngữ trị thiên hạ”.

Tháng riêng năm 960, Triệu Phổ cùng Triệu Khuông Dận phát động Trần Kiều binh biến, thành lập Bắc Tống. Triệu Phổ được phong là Hữu gián nghị. Sau này, ông còn có công lớn với nhà Tống và được phong làm Hộ bộ thị lang, Khu mật phó sứ.

7. Thần cơ diệu toán quân sự triều Minh – Lưu Cơ (1311-1375)

Lưu Cơ tự là Bá Ôn, sinh năm 1311 tại thôn Dương Võ, huyện Thanh Điền. Ông là nhà mưu lược quân sự kiệt xuất cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Ông vừa là nhà chính trị, tác gia và nhà tư tưởng, thông kinh sử, hiểu thiên văn, tinh binh pháp. Ông là người Hán và là khai quốc công thần triều Minh.

Ông có công phò tá Chu Nguyên Chương hoàn thành đế nghiệp. Ông là khai quốc công thần của triều Minh và luôn tận tâm tận lực giữ cho quốc gia được yên bình. Do ông nổi danh thiên hạ, nên người đời sau thường so sánh ông với Gia Cát Lượng. Thuở nhỏ, Lưu Cơ thông minh khác thường, thiên phú cực cao. Ông ham học, suy nghĩ sâu xa, thích đọc sách, vô cùng thích đọc kinh điển Nho gia, sách “Chư tử bách gia”.

Đối với thiên văn, địa lý, binh pháp, thuật số ông đều dốc lòng nghiên cứu và rất tâm đắc. Trí nhớ của ông vô cùng tốt, ông đọc sách đọc như gió, xem qua một vài lần là thuộc. Ngoài ra ông có cách hành văn rất đặc sắc, cách viết văn không giống người thường. Tuổi trẻ Lưu Bá Ôn rất nhanh trổ hết tài năng và trở thành người đại tài, đại danh sĩ vùng Giang Chiết được người đời chú ý.

Thầy giáo của Lưu Bá Ôn từng nói với ông nội của ông rằng: “Một ngày nào đó, đứa bé này sẽ làm rạng danh gia tộc nhà ông, làm hưng thịnh gia tộc họ Lưu”. Danh sĩ Tây Thục, Triệu Thiên Trạch từng bình luận về ông như là Gia Cát Lượng và khẳng định chắc chắn một ngày nào đó Lưu Bá Ôn sẽ là người đại tài nổi danh thiên hạ.

Mai Trà biên dịch

 

Xem thêm:

Tại sao Người Peru cổ đại có thể làm mềm đá khổng lồ cả trăm tấn?

 

You might also like More from author

Comments

Loading...