ÂN NHÂN

Bữa đó, tôi đang giặt quần áo cho vợ tôi ngoài giếng thì có thằng em - chắc đang định cầu hôn bạn gái - đến tận nhà nhờ tôi đưa nó đi mua nhẫn.

0 7,121

ÂN NHÂN

Bữa đó, tôi đang giặt quần áo cho vợ tôi ngoài giếng thì có thằng em – chắc đang định cầu hôn bạn gái – đến tận nhà nhờ tôi đưa nó đi mua nhẫn. Tôi dù rất muốn giúp nó nhưng cũng đành bất đắc dĩ lắc đầu: “Vợ anh quy định là muốn đi đâu phải xin phép vợ trước một tuần. Không ai đến đột xuất mà đòi rủ được anh đi đâu, kể cả bố vợ anh”. Thằng em nghe thế thì vẫn cứ tha thiết cầu khẩn, nài nỉ. Nhìn nó, tôi như thấy lại được chính tôi của cái thuở ngày xưa dại khờ: đầy khát khao và ham muốn lấy vợ. Chợt thấy thương nó quá, tôi đành chậc lưỡi: “Thôi được rồi, vì mày, anh sẽ liều một phen. Mày hẵng cứ nấp ra ngoài cửa kia, để anh tính kế xem sao”.

Thế rồi lát sau, lúc vợ tôi đang ngồi phòng khách nhổ lông nách thì điện thoại của tôi đổ chuông. Tôi phi từ ngoài giếng vào nghe máy. Là bố vợ tôi gọi, vì đang giặt quần áo, tay ướt, nên tôi phải bật loa to:

– Alo, con nghe đây bố!

– Qua xem cho bố con chim với!

– Chim bố bị sao ạ?

– Bố cũng không rõ nữa, hôm qua bố đưa nó đi Đồ Sơn chơi, cho nó ăn hải sản tươi sống, xong hôm nay nó cứ ủ rũ, đầu ngoẹo đi, mồm chảy đầy nước dãi. Chắc nó ăn phải con sò lông thối…

Tôi cúp máy, đứng bần thần, vẻ băn khoăn. Vợ nghe vậy thì hiểu là tôi đang khó xử, liền gườm gườm bảo: “Thì đi giúp bố cho mau đi, rồi về nhanh mà giặt nốt quần áo, xong còn đi chợ nấu cơm nữa! Tôi nhổ hết lông nách mà chưa có cơm ăn thì đừng trách!”.

Võ tòng đánh mèo

Được vợ cho phép rồi, tôi mừng rỡ dắt xe ra, suýt thì quên gọi cả thằng em vẫn nấp sau khe cửa nãy giờ. Trên đường đi, thằng em tôi cứ xuýt xoa: “Bố vợ của anh tuyệt vời quá!”. Tôi cười: “Có đi có lại thôi! Lúc nào ông ấy muốn trốn vợ đi chơi thì ông ấy lại nhờ anh gọi để lấy cớ. Tất nhiên là chỉ khi thực sự cần thiết thôi, chứ dùng nhiều cái kế này là bị nghi ngờ ngay”.

Tôi ghé cửa hàng vàng bạc trang sức đầu phố để chọn nhẫn cho thằng em. Chửa xem được cái nào thì điện thoại của tôi đã đổ chuông: là vợ tôi gọi. Thằng em có vẻ lo lắng, nhưng với bản lĩnh của một gã đàn ông đã lấy vợ được hơn 4 năm, tôi khẽ xua tay ra dấu với nó, ý muốn nói “không sao đâu”, rồi lạnh lùng bắt máy:

– Ừ, chồng nghe đây vợ yêu!

– Đang ở đâu đấy?

– Đang ở chỗ bố chứ ở đâu! Này, nghe giọng bố đây này!

Nhanh như cướp, tôi móc túi lôi cái điện thoại sơ cua ra, bật file ghi âm: giọng bố vợ tôi ồm ồm cất lên: “Bố đây! Chồng mày đang ở chỗ bố! Lát nữa nó về, không phải lo!”. Rồi tôi tắt máy luôn.

Thằng em mặt đã bớt căng thẳng hơn, nhưng vẫn hơi run run: “Anh tắt máy nhanh vậy không sợ vợ anh chửi à?”. Tôi bảo: “Sợ cái đéo gì! Chửi thì anh bảo là bố vợ anh tắt, chứ anh có tắt đâu!”. Rồi tôi giới thiệu cho thằng em thêm một số file ghi âm nữa mà tôi lưu trong cái điện thoại sơ cua: file ghi tiếng gió lúc phóng xe; file ghi tiếng còi lúc tắc đường; file ghi giọng của sếp khi giao việc cho tôi ở công ty; file ghi tiếng máy xúc, máy ủi đang nạo đất ở công trường, file ghi tiếng ồn ào, đập bàn tranh luận khi đang họp… thằng em nghe thì cứ há hốc mồm…

Đang hăng say giới thiệu thì điện thoại tôi lại đổ chuông: vợ tôi lại gọi. Thằng em lại nhìn tôi hoang mang, nhưng tôi vẫn xua tay, ý nói “đừng lo lắng”, rồi điềm tĩnh bắt máy:

– Ừ, chồng nghe đây vợ yêu!

– Đưa điện thoại cho bố, tôi có mấy việc muốn hỏi bố!

Lúc này thằng em tôi hoảng thật sự, nhưng tôi vẫn ra hiệu cho thằng em bình tĩnh, rồi một tay tôi giữ cuộc gọi với vợ, tay kia lại móc túi lôi điện thoại sơ cua ra và nhanh chóng bấm số bố vợ. Bố vợ nghe máy. Tôi bật loa ngoài cho cả hai chiếc điện thoại, rồi dí sát chúng vào nhau cho vợ và bố vợ tôi nói chuyện…

Xong thì anh em tôi cũng được yên ổn một lúc để mà chọn nhẫn. Thằng em có vẻ như thích mua nhẫn hơi rộng thì phải, tôi hỏi tại sao, nó kể: “Ở khu em vừa có một ông bị bọn côn đồ chặn đường cướp nhẫn cưới. Vì nhẫn của ông ấy chật quá, bọn cướp không tháo được, nên chúng xẻo ngón tay ông ấy luôn”.

Tôi cười, bảo: “Xẻo ngón tay thì vẫn may mà! Ở khu anh vừa có một ông bị bọn côn đồ chặn đường cướp nhẫn cưới, vì nhẫn của ông ấy lỏng quá, bọn cướp rút phát ra luôn. Về nhà, vợ hỏi nhẫn đâu, ông ấy bảo bị cướp rồi, vợ không tin, nghi là ông ta tháo nhẫn ra để tán gái rồi làm mất nhẫn, nên vợ xẻo dái ông ấy luôn”. Thằng em nghe vậy thì trả lại hết mấy cái nhẫn rộng rộng, rồi bảo nhân viên bán hàng cho xem mấy cái nhẫn chật chật…

Nhưng rồi có vẻ nó cũng chả ưng cặp nào, tôi lại chở nó sang cửa hàng khác. Lúc đi qua cây xăng, thấy kim xăng đã về vạch đỏ, tôi ghé vào đổ luôn. Thằng em cứ lăm le đòi trả tiền – chắc nó ngại khi đi việc của nó mà lại để tôi đổ xăng. Nhưng tôi quát lên: “ĐM mày, để anh trả! Mày khinh anh không có tiền à?”. Nói rồi tôi kéo khóa quần ngoài, thò tay vào sịp, móc tờ 5 chục nghìn ra khoe: “Đây là quỹ đen của anh. Hôm trước vợ để quên ví ở nhà tắm, anh móc trộm được đấy!”.

Trả tiền xăng xong, tôi lại cho áo vào trong sịp, đóng thùng cẩn thận. Thấy áo sơ mi của tôi nhăn nheo, thằng em hỏi: “Anh không bảo vợ là áo cho anh à?”. Tôi đáp: “Có! Nhưng chỉ một lần duy nhất sau hôm cưới thôi!”. Thằng em hỏi tại sao, tôi liền vén sơ mi lên, chỉ vào cái áo ba lỗ bên trong, nơi có một lỗ thủng cháy đen sì to bằng cái bàn là, rồi bảo: “Đây! Vợ anh là đây!”.

Tôi đưa thằng em vào cái quán vàng bạc trang sức to nhất huyện – nơi tôi đã mua nhẫn cưới để cầu hôn vợ tôi ngày trước. Gặp lại lão chủ quán, tôi thực sự ngỡ ngàng: chẳng còn vẻ hào hoa, cường tráng phong độ ngày nào, giờ, lão xanh xao, ốm yếu, gầy gò, tong teo, hệt như con mèo đi kiết, trông rất tội nghiệp. Người ta bảo có một số nghề rất bạc, chẳng hạn như nghề giết chó hoặc buôn thuốc phiện, vì những nghề đó là sát sinh, làm khổ chúng sinh, rằng những người làm nghề đó về sau sẽ bị quả báo, phải gánh nghiệp do mình tạo ra. Lẽ nào lão chủ quán này cũng vậy? Lão đã bán hàng triệu cái nhẫn cưới, tức là lão đã gián tiếp đẩy cả triệu đàn ông lâm vào cảnh có vợ, khiến những gã trai tơ dại khờ rơi vào bể đời tủi khổ, nên bây giờ, lão đang phải trả giá, phải gánh cái nghiệp do chính lão gây ra?

Thế nhưng phải công nhận là cửa hàng của lão có rất nhiều nhẫn cưới đẹp với thiết kế bắt mắt và mẫu mã đa dạng, ấy vậy mà thằng em tôi vẻ như lại không mặn mà cho lắm, nó cứ đứng tần ngần ra đó, khiến tôi sốt ruột, phải giục: “Chọn mau đi, anh còn phải về giặt nốt quần áo, rồi đi chợ, nấu cơm nữa đấy!”.

Thằng em vẫn thừ mặt ra, rồi bất chợt quay sang nhìn tôi, răng cắn chặt môi như sắp khóc tới nơi, mãi mới thốt nên lời: “Anh ơi, có lẽ em không lấy vợ nữa đâu anh ạ! Em trước giờ vẫn nổi tiếng khắp khu là ngu, nhưng dù có ngu đến cỡ nào thì cũng không đến mức nhìn thấy địa ngục mà vẫn lao vào” – thằng em vừa nói vừa nấc lên từng tiếng nghẹn ngào. Tôi vỗ vai nó, cất giọng đầy cảm thông xen lẫn xúc động, tự hào: “Làm tốt lắm em! Anh trước giờ cũng nghĩ là em ngu, nhưng với quyết định của em vừa rồi, anh tuyên bố từ giờ phút này, anh chính thức thay đổi suy nghĩ về em”.

Trên đường về, thằng em cứ dúi vào tay tôi mấy triệu, bảo: “Tiền này em mang đi mua nhẫn cưới, nhưng giờ thôi rồi, nên em biếu anh luôn, coi như trả ơn anh đã giác ngộ”. Tôi tất nhiên là gạt đi, không nhận. Chả phải vì khách sáo gì, mà là vì nếu nhận cục tiền ấy, tôi không biết giấu chỗ nào: mỗi tờ 5 chục nghìn giấu trong sịp đã thấy cộm cộm và khó chịu lắm rồi, giờ mà nhét cả mấy triệu bạc ấy vào trong sịp thì có mà nó sưng lên như cái thằng bị kim la, bị phù nề dương vật à? Rồi vợ phát hiện được, vợ hỏi tiền đâu ra? Giấu tiền làm gì? Để đi chơi gái à? Thế là lại nhục nhã…

Nói thật là đã có lúc tôi nghĩ thằng em tôi cùng lắm cũng chỉ quyết tâm được vài tháng đến một năm, rồi sau thì cũng sẽ lại cam tâm tự trầm mình vào cái bể đời tủi khổ – tức là lấy vợ – mà thôi. Ấy thế nhưng mấy năm trời, nó vẫn kiên trung, bền gan, vững chí: gái gú gạ gẫm lộ liễu, gia đình lôi kéo thuyết phục nhiều, mà nó vẫn không đổi ý. Có lần tôi hỏi nó: “Nhờ đâu mà em vượt qua được những cám dỗ và áp lực ấy?”. Nó bảo: “Nhờ cái này ạ!” – rồi nó móc ví ra cho tôi xem: trong ví nó có để hai cái ảnh, và toàn là ảnh tôi: một ảnh chụp lúc tôi đang giặt quần áo, với nền phía sau là cảnh vợ tôi đang ngồi dạng háng nhổ lông nách; ảnh còn lại chụp lúc tôi đang vén cái áo sơ mi nhăn nheo để móc tay vào sịp lấy ra tờ 5 chục nghìn. Vậy ra lâu nay, tôi chính là động lực, là ngọn hải đăng để nó vững lòng mỗi khi trong đầu nó xuất hiện những dấu hiệu lầm đường lạc lối.

Thằng em tôi là thằng sống kiểu khép kín, lạnh lùng, ít quan tâm đến mọi người: ví như 20-11, nó chẳng bao giờ đi quà thầy; sinh nhật bố mẹ đôi khi nó cũng không nhớ; rồi cả hôm mừng thượng thọ cụ nội nó cũng không về… Thế mà dịp lễ tết, sinh nhật nào của tôi nó cũng đều tới nhà tôi thăm hỏi, quà cáp đầu cuối. Và lần nào, trước khi ra về, nó cũng đều chắp tay vái tôi ba phát mà thưa rằng: “Đội ơn ân nhân! Nếu hôm ấy không có ân nhân, thì chắc hôm nay, em cũng đang phải chịu cảnh khổ cực, đọa đày… hệt như ân nhân bây giờ rồi!”.

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Bài viết liên quan:

CHUYỆN “ẤY” MÙA WORLD CUP

 

You might also like More from author

Comments

Loading...